Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng hình thành và phát triển gần 400 năm. Thương hiệu sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Việc phát triển ồ ạt, thiếu qui hoạch khiến làng nghề bị ô nhiễm nặng, mất mỹ quan khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định di chuyển làng đá mỹ nghệ Non Nước đến nơi khác nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động.
Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 500 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút gần 3.000 lao động. Sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước mang lại nguồn doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng mặt trái của sự hưng thịnh làng nghề là môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Hàng ngày, người dân và khách du lịch bị tra tấn bởi tiếng ồn và bụi do hoạt động cưa xẻ đá.
Những năm gần đây, người dân làng nghề sử dụng axít để tẩy rửa sản phẩm, xả thẳng ra khu dân cư gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng sức khoẻ của người dân và môi trường khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ông Mai Thanh Bình, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn cho biết, thành phố có chủ trương di dời làng nghề lâu lắm rồi, bà con đồng tình nhưng chờ mãi không thấy: “Nghe chủ trương của thành phố dân ở đây rất ủng hộ nhưng mà triển khai rất chậm. Mong rằng sớm giải quyết để nhân dân đi vào khu mới ổn định”.
Được biết, theo dự án di chuyển làng nghề đá Mỹ Nghệ Non Nước được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2008. Qui hoạch làng nghề mới rộng 47 héc ta tại khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải nằm cách xa khu dân cư và khu dân thắng Ngũ Hành Sơn, bao gồm: khu sản xuất, nhà ở, trạm xử lý nước thải, công trình công cộng, hệ thống giao thông, bố trí cho 500 cơ sở sản xuất. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, đơn vị thi công mới san ủi một phần mặt bằng, các hạng mục còn lại vẫn án binh bất động.
Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Làng nghề đang làm là ảnh hưởng đến 139 héc ta quy hoạch khu công viên văn hoá lịch sử Ngũ Hành Sơn. Cho nên sự cần thiết di chuyển toàn bộ nguyên vật liệu, cơ sở san xuất đá ra khỏi khu vực đó nhằm đúng tiến độ phân kỳ đầu tư của thành phố”
Giải thích sự chậm trễ trong việc triển khai dự án, ông Huỳnh Chín, Trưởng Ban quản lý làng nghề đá Mỹ Nghệ Non nước cho rằng: trong quá trình triển khai dự án có một số điều chỉnh về thiết kế. Lúc đầu mặt bằng dự án được phê duyệt chỉ rộng 30 héc ta, sau đó điều chỉnh lên 47 héc ta. Thời điểm triển khai dự án lại gặp khó khăn về kinh phi nên tiến độ chậm.
Ông Huỳnh Chín, Trưởng Ban quản lý dự án làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước thành phố Đà Nẵng cho biết: “Bây giời mình chuyển sang hướng khác làm chỗ nào đã làm thì phải hoàn thiện hết để bố trí trước mắt 1/3 hộ dân vào, làm từng bước một chứ không thể chờ đợi được bởi vì thời gian kéo dài quá lâu rồi”
Trong tương lai Khu du lịch danh tháng Ngũ Hành Sơn và làng nghề đá Mỹ nghệ Non nước sẽ được xây dựng thành công viên văn hoá lịch sử. Để dự án sớm triển khai thì yêu cầu di chuyển làng nghề đa mỹ nghệ Non Nước càng trở nên cấp thiết. Có như vậy mới đáp ứng nguyện vọng của bà con làng nghề và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Ý kiến của bạn